Trong mùa thu đông 2021 chocolate cho đến caramel, sắc màu từng bị lãng quên trong thời gian dài đang trở lại trong tủ đồ của những người nổi tiếng cũng như thế hệ Z .
Màu nâu là sự kết hợp giữa màu đỏ, màu vàng và xanh dương. Đó là một màu hoài cổ, mang âm hưởng của nền văn hóa Phục Hưng. Từ một kẻ bên lề thường xuyên vắng bóng trên sàn diễn thời trang và dễ dàng bị lấn át bởi các màu trung tính khác như đen, trắng và xám, từ năm ngoái đến nay màu nâu đã bắt đầu khôi phục lại sức ảnh hưởng của nó. Cùng tìm hiểu ý nghĩa của màu nâu trong thời trang nhé bạn.
Từ nội thất cho đến quần áo, màu nâu đang đồng hành cùng các thương hiệu Brunello Cucinelli, Bottega Veneta và Prabal Gurung trên sàn diễn thời trang Thu Đông năm nay. Sắc nâu cũng tràn ngập trên Instagram của những người nổi tiếng như Kim Kardashian, Kylie Jenner, Bella Hadid…
Màu nâu gỗ và mocha đã được đưa vào dòng thời trang chính thống của các thương hiệu từ lớn tới nhỏ như Urban Outfitters hay Sandy Liang, kể cả các cửa hàng bán đồ nội thất và gốm sứ. Trên TikTok, hàng ngàn bạn trẻ đã đăng tải các video hình ảnh họ nhuộm nâu toàn bộ tủ quần áo. Có lẽ đây là các dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự trỗi dậy của sắc màu bùn đất.
Nội dung bài viết
Ý nghĩa của màu nâu, sắc màu phản ánh tình hình thế giới
Hồi những năm 1970, nâu là màu không thể thiếu đối với người Mỹ. Ý nghĩa của màu nâu mang vẻ đẹp đơn giản, nhã nhặn và bền vững. Bao nhiêu năm trôi qua, người ta nay lại một lần nữa mệt mỏi và muốn tìm lại sự êm dịu của màu nâu.
Đại dịch Covid-19 được nhiều người so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó hàng triệu người đã vỡ nợ, bị tịch thu nhà cửa, một thế hệ trẻ đối mặt với tình trạng thất nghiệp… Hơn 10 năm sau, thế giới lại một lần nữa đối diện với cuộc khủng hoảng còn nặng nề và kéo dài hơn, không chỉ tài sản thất thoát mà nhân mạng cũng chẳng còn. Tất cả đều không thể hàn gắn.
Ngày nay, người dân phải ở nhà thường xuyên và cảm thấy ghét bỏ những bộ cánh chói lóa mang sắc hồng hay tím. Họ thích những trang phục thực tiễn, tiện dụng và phù hợp với không gian trong nhà, chẳng hạn như bộ pyjama màu nâu nhã nhặn, tối giản.
Sự dễ chịu và êm ái của trang phục màu nâu, cũng giống như loại thức ăn mà bạn thích ăn nhất. Nó rất dễ ăn, bạn có thể ăn hàng ngày mà không cần phải suy nghĩ, cũng không cần phải tốn kém. Nó rất an toàn cho bao tử của bạn. Màu nâu cũng vậy, bảo vệ và đem lại sự bình yên giúp chúng ta gắng gượng qua cơn bão dịch bệnh.
Nâu từng là màu của tầng lớp bần cùng
Màu nâu đã phổ biến từ những nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Người ta phát hiện ra màu nâu trong các lăng mộ tiền sử và tranh khắc trong hang động. Trên các chai lọ và đồ dùng bằng sứ thời Hy Lạp và La Mã, các bức tranh sơn dầu thời Phục Hưng Italia cũng có rất nhiều sắc nâu.
Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, các họa sĩ rất ưa chuộng ”màu nâu xác ướp”, đó là màu nâu đen giống như bị cháy mà người ta nhìn thấy trên các di vật của xác ướp Ai Cập. Các danh họa Rembrandt van Rijn, Johannes Vermeer và Eugène Delacroix đều từng sử dụng màu này.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các màu tối trung tính thường được sử dụng để ám chỉ sự khiêm tốn và túng thiếu. Ý nghĩa của màu nâu trong trường hợp này chỉ sự túng thiếu, nghèo đói. Cụ thể, tầng lớp lao động thường mặc màu nâu và màu be, trong khi giới quý tộc diện những chất liệu đắt đỏ có màu xanh nước biển, tím và đỏ.
Thời La Mã cổ đại, người ta dùng thuật ngữ “pullati” để chỉ người ăn xin, người nghèo ở đô thị. Từ này dịch thẳng ra có nghĩa là “những kẻ mặc đồ nâu”. Thời Trung Cổ, các thầy tu dòng Phanxicô cũng mặc áo choàng màu espresso như là biểu tượng hữu hình của lời cầu nguyện dành cho tầng lớp nghèo trong xã hội.
Màu nâu được sử dụng rộng rãi hơn và cuối thế kỷ XIX, hầu hết các trang phục trong quân đội là quần kaki màu nâu nhạt để dễ dàng ngụy trang. Vào những năm 1920, trang phục nâu được tổ chức bán quân sự Sturmabteilung (SA) khét tiếng của Đảng Đức Quốc xã sử dụng, người ta còn gọi họ là “Lính áo nâu”.
Giữa những năm 1920 – 1940, thái độ của người dân đối với màu nâu trở nên tích cực hơn nhờ vào trào lưu thiết kế kiến trúc theo phong cách Art Deco, trong đó sử dụng nhiều màu kem, xám, màu kim loại và hoa văn hình học. Trong kỷ nguyên này, màu nâu nhạt được tôn sùng bởi sự thanh lịch, dễ chịu và sang trọng của nó. Tuy vậy, thời vàng son của màu nâu không kéo dài và nó bị lẳng lặng gạch bỏ khỏi bảng màu thời trang.
Vì sao người ta không thích màu nâu?
Một nghiên cứu năm 2009 nói rằng người ta không ưa màu nâu vì nó thường gắn liền với những thứ mà họ không thích (chẳng hạn phân có màu nâu, thức ăn hỏng mốc cũng có màu nâu…). Tuy nhiên, lập luận này cũng chỉ thuyết phục một phần, bởi nếu chúng ta thích hay ghét màu sắc dựa trên vật thể, thì lẽ ra phân cũng phải được yêu thích giống chocolate chứ nhỉ! (À, khoan hãy nhắc tới mùi nhé).
Năm 2012, các nhà nghiên cứu ở Úc tuyên bố rằng nâu đen là “màu xấu xí nhất thế giới”. Điều này đã thôi thúc một số quốc gia, trong đó có Anh Quốc, Bỉ và Pháp… ra luật bắt các hãng sản xuất thuốc lá phải đóng gói hộp thuốc bằng màu nâu để giảm cảm giác thèm thuốc của người dùng. Trong bảng màu Pantone thì nâu đen có mã số 448 C.
Chuyên gia màu sắc John Maule thuộc Đại học Sussex (Anh) cho rằng sở thích về màu sắc có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Cụ thể, nếu bạn thích vật gì thì bạn cũng thích màu sắc của vật đó. Chẳng hạn trong thời đại dịch bệnh, người dân lẩn quẩn ở nhà làm vườn, loanh quanh trồng cây, tưới hoa… thì họ cũng sẽ thấy nhiều thứ có màu nâu hơn, chẳng hạn thân cây, lá khô, đất sỏi… Từ đó, họ sẽ trở nên thân thiện hơn với màu này.
Giới thời trang dần ưu tiên các màu sắc mang yếu tố tự nhiên
Cùng với những lời kêu gọi bảo vệ môi trường thì màu của đất cũng dần truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang. Một số thương hiệu xa xỉ đã kết hợp với các công ty may mặc trang phục dã ngoại để đưa các trang phục đa năng lên sàn diễn thời trang.
Chẳng hạn vào năm 2017, Gucci đã kết hợp với North Face và Comme des Garçons kết hợp với thương hiệu giày leo núi Salomon để tạo ra các dòng thời trang dã ngoại khám phá, đưa con người tới gần với thiên nhiên. Các màu sắc trung tính tự nhiên như nâu, đỏ nâu, xanh lá cây dần được tận dụng nhiều hơn.
Bản thân nâu là một màu thực dụng, dễ nhuộm bằng tay và chi phí sản xuất ra vải nâu luôn rẻ hơn các màu sáng. Các nhà bán lẻ như The North Face và Salomon luôn lấy việc bảo vệ môi trường là chủ trương của họ, từ đó truyền cảm hứng cho các thương hiệu khác giảm thiểu rác thải may mặc bằng cách tận dụng vật liệu tái chế và hữu cơ, sử dụng công nghệ nhuộm tự nhiên, và các thiết kế không bị lỗi mốt. Vì thế nếu bạn đến các cửa hàng của The North Face và Salomon, bạn sẽ nhìn thấy những sản phẩm mới chẳng khác mấy so với các mẫu ở những năm 1970.
Khái niệm thời trang xa xỉ hiện nay đã thay đổi. Trước đây người ta quan niệm xa xỉ là những thiết kế sử dụng chất liệu thật hiếm, thật khó kiếm, “không ai có chỉ mình tôi có”. Nhưng hiện nay, trang phục sử dụng chất liệu càng thô, gần gũi với môi trường, chi phí sản xuất thấp mà sử dụng được lâu bền mới gọi là hàng xa xỉ.
Màu nâu với tính chất ưu việt và giản dị của nó được dự báo sẽ giúp các thương hiệu tiết kiệm và sinh lãi nhiều hơn giữa tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Các bạn có thể tham khảo thêm :