Trong thời trang có một khái niệm tưởng chừng như nghịch lý “càng ít thì càng nhiều (less is more)”. Tuy nhiên, đó lại là một trong những xu hướng rất được ưa chuộng hiện nay: Xu hướng thời trang tối giản (minimalism)
Giống như phải ăn quá nhiều thịt cá gia vị, người ta trở nên háo hức với những món rau trái thanh đạm. Đây là hiệu ứng mà xu hướng tối giản (minimalism) mang lại cho giới thời trang.
Giới mộ điệu trầm trồ tán thưởng trước những trang phục cực kỳ đơn giản mà tinh tế của nhà thiết kế Phoebe Philo trong bộ sưu tập thời trang Céline Xuân Hè 2010, những trang phục đơn sắc, gam màu trung tính, những chiếc đầm với những đường cắt may đơn giản nhưng tỉ mỉ. Ta có thể bắt gặp nhiều thiết kế với phong cách tương tự trong những bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ đang lên hiện nay như Stella McCartney, Victoria Beckham, Derek Lam, Jil Sander, Alexander Wang…
Nội dung bài viết
Một trào lưu xuất phát từ nghệ thuật
Trong các hình thức nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc…, phong cách tối giản là cách sử dụng tối thiểu các chi tiết thiết kế đơn giản nhất.
Ví dụ như bức tranh hình chữ nhật màu xanh của Yves Klein năm 1962, bức tranh Voice of Fire (Tiếng nói của lửa) của Barnett Newman 1967, hay những tác phẩm điêu khắc hình khối của Tony Smith. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc đơn giản và hạn chế tối đa việc sử dụng các chi tiết mô tả.
Nghệ thuật tối giản trong âm nhạc thể hiện ở sự lặp đi lặp lại các hợp âm hay giai điệu như trong âm nhạc của La Monte Young, hay tập trung lột tả bản chất của những âm thanh quen thuộc ví dụ như tiếng còi tàu trong bản nhạc Different Trains (1988) của Steve Reich.
Trong văn chương, phong cách tối giản đặc trưng ở chỗ nhà văn hạn chế tối đa việc sử dụng từ ngữ, họ tập trung vào mô tả bề mặt. Những nhà văn theo phong cách tối giản thường tránh dùng trạng từ, thích dựa vào bối cảnh để thể hiện ý nghĩa. Người đọc đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra câu chuyện dựa trên những gợi ý và ngụ ý của tác giả thay vì chỉ đọc một cách thụ động.
Khái quát về nguồn gốc của xu hướng tối giản
Phong cách tối giản ra đời từ sau Thế chiến thứ II. Xuất phát điểm là các nước phương Tây, đặc biệt nở rộ ở Mỹ trong thập niên 1960 và đầu những năm 1970.
Phong cách tối giản được thể hiện ở kết quả tác phẩm chứ không phải từ công cụ hay kỹ thuật trong quá trình làm nên tác phẩm. Điều này cũng phù hợp đối với thời trang tối giản.
Các nhà thiết kế theo phong cách tối giản đôi khi phải mất rất nhiều công sức và thời gian để tạo ra một mẫu thiết kế đơn giản một cách hoàn hảo.
Thời trang tối giản đã đạt được sự phổ biến trong thập niên 1990 với sự ra đời bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Tom Ford cho Gucci năm 1996 và của Marc Jacobs cho Louis Vuitton năm 1998.
Phong cách tối giản trong thời trang
Có thể tóm gọn thời trang tối giản qua hai đặc điểm nổi bật. Đó là sự giản lược tất cả những chi tiết thừa để có được cốt lõi của sự đơn giản. Và sự thoát ly khỏi khái niệm về cái đẹp truyền thống, giới tính, tuổi tác.
Trong thời trang, phong cách tối giản là chọn trang phục thiên về sự đơn giản, ít chi tiết, ít phụ kiện. Những tông màu thiên về trung tính, màu tối hoặc đơn sắc. Tiêu chí là càng đơn giản càng tinh tế.
Các nhà thiết kế tối giản chú trọng vào điểm đặc biệt của kiểu dáng và chất liệu vải, hơn là vào sự cầu kỳ của trang phục. Họ thiết kế trang phục thông qua nhiều công đoạn gạn lọc chặt chẽ để có được một thiết kế cực kỳ đơn giản nhưng vẫn toát lên sự tinh tế và cá tính.
Nhà thiết kế tiêu biểu: Cristóbal Balenciaga
Những thiết kế thời trang tối giản thường có vẻ ngoài lạnh lùng, tiết chế cảm xúc. Một ví dụ điển hình cho phong cách này là chiếc áo cưới mà Cristóbal Balenciaga thiết kế năm 1967. Không có bất kỳ trang trí nào trên chiếc áo cưới. Nó thậm chí còn lược bỏ cả nơ thắt lưng. Nhà thiết kế đã may chiếc đầm cưới chỉ với ba đường chỉ trên nền lụa gazar. Vô cùng đơn giản. Nhưng không ai có thể phủ nhận được vẻ đẹp toát ra từ sự đơn giản ấy.
Thời trang tối giản có xu hướng loại bỏ những đường nét thể hiện giới tính, tuổi tác, vẻ đẹp theo quan niệm truyền thống. Đó là những thiết kế phi giới tính với những gam màu trung tính, đơn sắc, không dành riêng cho độ tuổi nào, hoàn toàn thoải mái.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thiết kế Nhật Bản được xem là những người tiên phong trong phong cách này. Vì họ không theo lối tôn vinh đường cong cơ thể phụ nữ như thời trang truyền thống phương Tây.
Nhà thiết kế tiêu biểu: Rei Kawakubo
Một trong những show thời trang được tán thưởng nhiều nhất và có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử thời trang tối giản đó là show trình diễn bộ sưu tập Xuân Hè 1997 của Comme des Garçons của nhà thiết kế người Nhật Rei Kawakubo, với tên gọi Body Meets Dress, Dress Meets Body.
Trong bộ sưu tập này, Kawakubo đã thách thức những quan niệm truyền thống về tiêu chuẩn của cái đẹp, vốn mặc định trang phục phải tôn lên đường cong của cơ thể. Chính quan niệm này vô hình trung đã khiến vóc dáng của người phụ nữ bị định hình theo một tiêu chuẩn nhất định, đánh mất những đặc trưng riêng của cơ thể họ.
Bởi thế, dù bộ sưu tập của Rei Kawakubo không tuân theo những nguyên tắc cơ bản của trường phái minimalism, nhưng thông điệp mà bà muốn truyền tải lại vô cùng phù hợp với tinh thần của tối giản. Đó là thoát ly khỏi những phom dáng truyền thống, những kiểu trang phục định hình giới tính, tuổi tác. Các thiết kế của Kawakubo gói ghém người mẫu trong những phom dáng hình khối lạ mắt, đi ngược lại những đường nét thông thường, chứng minh không có tiêu chuẩn nào là mãi mãi trong thời trang và thời trang không nên trở thành giới hạn gò bó cái đẹp.
Nhà thiết kế tiêu biểu: Martin Margiela
Sự đơn giản trong trang phục tối giản không nhất thiết luôn thể hiện ở vẻ ngoài. Nó có thể nằm ở chất liệu hay những đường cắt may tạo nên trang phục. Khó mà nhận ra sự đơn giản trên những thiết kế của Martin Margiela. Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ ta sẽ nhận thấy ông vẫn tuân thủ hai nguyên tắc đơn giản và đặc biệt. Trang phục của ông có thể được thiết kế từ những chất liệu rất bình thường, sản phẩm tái chế và với rất ít đường cắt may. Ví dụ như những chiếc áo khoác bằng plastic, hay chiếc đầm được may từ những chiếc găng tay cũ.
Những ngôi sao chuộng phong cách thời trang tối giản
AUDREY HEPBURN
Hình ảnh của nữ diễn viên trong chiếc LBD thanh lịch quý phái trong phim Breakfast at Tiffany’s đã trở thành một hình ảnh kinh điển trong thời trang, đó cũng là một hình ảnh tượng trưng cho phong cách thời trang tối giản. Bà cũng là người ưa chuộng phong cách đơn giản thanh lịch, thoải mái.
VICTORIA BECKHAM
Từ khi trở thành nhà thiết kế, Victoria Beckham ưu chuộng phong cách thời trang giản lược các chi tiết, chỉ chú trọng phom dáng và đường nét. Bà Beck thích mặc các gam màu trơn, cơ bản như trắng, đen. Áo sơ mi, quần tây, đầm suôn dài là những kiểu trang phục gắn liền với hình tượng của cô. Ngay cả các thiết kế của thương hiệu Victoria Beckham cũng hướng theo trường phái tối giản như Phoebe Philo.
Các bạn có thể tham khảo thêm :