Vải deadstock (vải thừa) cùng tìm hiểu một chất liệu đang ngày càng xuất hiện nhiều trong các dòng sản phẩm được đánh giá là bền vững .
Khi các thương hiệu ngày càng tập trung vào yếu tố phát triển bền vững (sustainable), nhiều từ khóa liên quan đến thời trang xanh bắt đầu xuất hiện trong các quảng cáo của thương hiệu. Một từ khóa đang xuất hiện ngày càng nhiều là xu hướng chất liệu vải deadstock, tức vải thừa.
Liệu xu hướng này có thật sự thân thiện với môi trường? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về vải thừa trong ngành công nghiệp thời trang.
Nội dung bài viết
- 1 Vải deadstock là gì?
- 2 Vì sao việc sử dụng vải deadstock được cho là thân thiện với môi trường?
- 3 Thực tế thì dùng vải thừa có thực sự “xanh”?
- 4 Vấn đề với việc sản xuất thời trang sử dụng vải thừa…
- 5 Vải deadstock chỉ thật sự bền vững khi…
- 6 Những chất liệu vải thân thiện với môi trường hơn vải deadstock
Vải deadstock là gì?
Vải deadstock thường là loại vải vốn được sản xuất riêng cho một nhà thiết kế hay thương hiệu. Vì một lý do nào đó, nó không được sử dụng trong sản xuất. Có thể là xấp vải này bị lỗi. Hoặc nhà thiết kế thay đổi ý định và không dùng đến nó nữa. Cũng có thể là vải đã được sử dụng, nhưng lượng mua nhiều hơn lượng sử dụng nên bị xếp xó vào kho.
Vì sao việc sử dụng vải deadstock được cho là thân thiện với môi trường?
Những chất liệu này, nếu để lâu có thể bị hư hỏng, hoặc bị vứt/thiêu hủy khi dọn kho. Việc sử dụng vải deadstock được cho là thân thiện với môi trường vì nó tái sử dụng những chất liệu đã có từ cũ, thay vì phải đặt sản xuất mới.
Thực tế thì dùng vải thừa có thực sự “xanh”?
Không hẳn.
Các nhà máy dệt vải hầu như sẽ không bao giờ để mình bị lỗ vốn. Việc tiêu hủy vải thừa thật ra tốn khá nhiều tiền. Không ai sẽ dại dột phí công sức sản xuất ra sản phẩm chỉ để vứt nó đi.
Nếu xấp vải thừa không thể bán cho người mua đầu tiên, họ có thể khuyến mãi cho một người mua khác – có thể là cửa hàng vải giảm giá, hoặc thậm chí là xuất khẩu sang một quốc gia mới.
Theo lời ông Yudekovitz, phụ trách thu mua tại cửa hàng vải B&J ở New York: “Tôi không tin là các nhà máy sẽ tiêu hủy sản phẩm của mình. Cá nhân tôi biết rằng, những món hàng sang tay có thể được bán sang một quốc gia khác để lấy lời. Tôi nghĩ rằng trường hợp của vải vóc cũng không khác biệt”. Ông nói thêm rằng một số thương hiệu, do không sử dụng hết vải thừa của mình, sẽ cố tình bán nó sang một quốc gia khác để vừa thu hồi vốn, vừa tránh cho xấp vải này xuất hiện trên thị trường và cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng của mình.
Vấn đề với việc sản xuất thời trang sử dụng vải thừa…
…là các thương hiệu vẫn dùng nó như một lời mời gọi khách hàng tiếp tục mua sắm điên cuồng. Đồng thời, nó có thể khiến khách hàng mua sản phẩm chất lượng thấp.
SẢN XUẤT THỪA MỨA
Vấn đề với ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh (fast fashion) hay siêu nhanh (ultra fast fashion) là sản xuất quá nhiều sản phẩm ở chất lượng kém, để rồi nó mau hư và phải bị bỏ phí sau chỉ vài lần sử dụng.
Nếu một thương hiệu thời trang nhanh thông báo rằng mình đang sử dụng chất liệu vải xanh (ví dụ như vải dệt hữu cơ, vải có thể phân hủy, hay vải thừa) thì nó cũng không thể cân bằng lại những thiệt hại đến từ việc mua sắm quá đà.
SẢN PHẨM CHẤT LƯỢNG KÉM
Có nhiều lý do khiến một xấp vải bị bỏ qua trong khâu sản xuất. Trong đó, một lý do là chất lượng kém. Có thể xấp vải này không đạt chỉ tiêu về màu sắc, độ bền, hay độ chống thấm (nếu là vải dù, chẳng hạn). Chính vì vậy, khi mua vải deadstock, khách hàng cũng gặp rủi ro về mặt chất lượng.
Vải deadstock chỉ thật sự bền vững khi…
…nó được sử dụng để thiết kế nên những mẫu thời trang may đo ở số lượng ít hoặc phiên bản giới hạn (limited edition). Vải deadstock là một lựa chọn tốt cho những thương hiệu nhỏ hoặc những ai làm sản phẩm couture.
Cửa hàng vải B&J chuyên xuất hiện trên show thời trang Project Runway Mỹ cho biết, bạn có thể mua vải deadstock từ những thương hiệu lớn như Gucci, Burberry, Chanel. Những xấp vải sản xuất tại Ý hay Pháp sẽ đảm bảo chất lượng cao cấp, đồng thời giữ vững chỉ tiêu phát triển bền vững cho những nhà mốt nhỏ hay may đo.
Những chất liệu vải thân thiện với môi trường hơn vải deadstock
Chúng nên được sản xuất với quy trình xanh từ ban đầu. Ví dụ như vải Lyocell/Tencel, vải hữu cơ, hay vải tái chế từ bã thực phẩm.
Theo Nudie Jeans, một công ty chuyên sử dụng vải cotton hữu cơ làm denim, chất liệu hữu cơ dùng 71% ít nước hơn và 62% ít năng lượng hơn để sản xuất. Nó cũng không cần đến thuốc diệt cỏ hay thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường.
Những chất liệu vải làm từ bã thực phẩm cũng càng ngày càng được ưa chuộng, khi nhiều công nghệ mới được phát triển. Hiện tại đã có chất liệu vải giả da từ lá chuối, lá dứa (Piñatex) hay vỏ trái táo (Frumat). Những công nghệ này giúp giảm thiểu việc lấp thực phẩm thừa vào các bãi rác thải.
Cuối cùng, thuốc nhuộm cũng là một yếu tố quan trọng. Các loại thuốc nhuộm từ nguồn tự nhiên êm dịu hơn đối với môi trường. Hiện tại đã có các hiệp hội kiểm soát chất liệu thuốc nhuộm thân thiện với môi trường, như hiệp hội OEKO-TEX.
Các bạn có thể tham khảo thêm :