Phong cách thời trang safari bắt đầu từ thế kỷ 19 tại châu Phi đến nay vẫn được ưa thích .
Phong cách dã ngoại safari là xu hướng được các nhà mốt lăng-xê tích cực mỗi khi dịp hè đến. Tông màu beige và xanh quân đội, chất liệu vải hợp với xứ nóng như cotton và linen, cùng các họa tiết rừng rậm là một số yếu tố đặc trưng của phong cách này. Nhưng thời trang safari còn có nhiều chiều sâu hơn chỉ ngần ấy chi tiết. Hãy cùng Maya tìm hiểu sự tiến hóa của phong cách thời trang được ưa chuộng vào dịp hè này.
Nội dung bài viết
Khởi nguồn của phong cách thời trang safari
Gốc của chữ safari đến từ safar, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “khởi đầu một chuyến đi”. Đúng với cái tên của nó, thời trang safari vốn được thiết kế cho những chuyến đi dã ngoại dài ngày.
Nói đến safari, item đinh nhất của phong cách này chính là chiếc áo khoác safari. Đây là một sản phẩm được sinh ra vì sự thuận tiện, chứ chẳng phải vì mục đích thời trang.
Lần đầu tiên chiếc áo safari xuất hiện là vào cuối thế kỷ 19. Các quan quân Anh Quốc đã mặc kiểu áo khoác này khi đi thám hiểm và săn bắn ở châu Phi.
Phom dáng của mẫu áo safari đầu tiên này được thiết kế theo kiểu áo khoác Norfolk, một mẫu áo mà người Anh thường mặc khi đi săn. Chất liệu bằng khaki chống thấm, lại đủ thoáng để hút mồ hôi. Áo màu beige lẫn vào màu đất cát hoặc xanh màu cây cối; có đai lưng để chống bị vướng móc vào cây cối; có nhiều túi nhỏ để đựng đồ đạc.
Mặc kèm là bốt da thuộc chống thấm, cùng loại mũ rộng vành gọi là mũ pith.
Nhờ Hollywood, áo safari trở thành một trào lưu lớn
Qua thế kỷ 20, vẻ phong trần của phong cách safari được giới điện ảnh mê đắm. Hollywood đưa chiếc áo này cho những ngôi sao lớn nhất màn bạc mặc lên phim.
Có thể kể đến Clark Gable, Grace Kelly và Ava Gardner trong phim Mogambo (1953). Vẻ lãng tử kẻ săn thú quý hiếm mà Clark Gable thủ vai được mệnh danh là “Casanova của châu Phi”, vô cùng nam tính và gợi tình. Còn Grace Kelly và Ava Gardner, hai minh tinh nổi tiếng nhất thời bấy giờ, lại cực chic trong áo safari và chân váy chiết eo nhỏ xíu.
Đừng quên loạt phim James Bond và Indiana Jones. Siêu mật thám 007 James Bond mặc áo safari, tay cầm súng thật ngầu trong hàng loạt tập phim – từ Live and Let Die (1973) qua The Man with the Golden Gun (1974) và The Spy Who Loved Me (1977). Còn Indiana Jones là gã chinh phục giới bí ẩn với cái đầu nhạy bén, thời trang phong cách safari bảnh bao và vẻ nam tính phong trần.
Sang trọng hóa phong cách thời trang safari
Nhờ Hollywood, phong cách safari trở thành một trào lưu lớn từ thập niên 1960 đến 1980. Các nhà mốt đồng loạt ăn theo, từ xa xỉ như Yves Saint Laurent, Roberto Cavalli, xuống đến bình dân với Abercrombie & Fitch.
Ngoài những gam màu của đất giúp người mặc hoà lẫn vào thiên nhiên, các nhà mốt còn tận dụng một họa tiết nữa: họa tiết da thú. Da beo, da cọp, ngựa vằn là một vài ví dụ điển hình. Roberto Cavalli là cái tên gắn liền với họa tiết da thú.
Phong cách safari còn được giới thời trang biến thành một thứ gì đó lộng lẫy với những hàng nút ánh kim. Vốn, nút vàng ánh kim là một chi tiết của quân phục (phong cách military). Nhưng khi kết hợp với trang phục safari thì nó cũng vẫn rất hợp.
Những biến chuyển của phong cách thời trang safari trong thế kỷ 21
Qua đến thế kỷ 21, giới Tây phương bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến quyền động vật và quyền bình đẳng con người. Họ cho rằng cái tên thời trang safari gợi nhắc quá nhiều về chủ nghĩa thực dân, khi các đế chế da trắng thống trị năm châu lục. Và hình ảnh người thợ săn mặc áo safari, tay cầm súng khoe thành tích là một chú voi, hổ cũng chẳng hay ho gì.
Chính vì vậy, trong thế kỷ 21, cái tên phong cách safari dần dần phai nhạt. Thay vào đó xuất hiện xu hướng utility (tiện ích).
Xu hướng này khai thác đặc trưng làm nên tính hữu dụng của thời trang safari. Ví dụ như chi tiết nhiều túi áo, dây đai utility có khóa cài đơn giản, chất liệu vải thô mộc thoáng khí. Những item như quần túi hộp (cargo), áo khoác khaki tiếp tục là phom dáng được ưa chuộng. Chỉ có điều, bạn sẽ thấy chúng được nhắc đến với cái tên utility nhiều hơn là safari.
Các bạn có thể tham khảo thêm :