Thân hình mũm mĩm ( plus size ) từng được ưa chuộng suốt 400 năm, nhưng sau đó lại vấp phải những ánh nhìn giễu cợt dù đa phần phụ nữ bị thừa cân .
Nội dung bài viết
Trước những năm 1900: Thời trang ngoại cỡ (plus size) là chuyện thường tình
Trước những năm 1900, thân hình đẹp được cho là phải có đường cong. Vào thế kỷ XVII, phụ nữ có vóc dáng đầy đặn vẫn được khen ngợi là khỏe mạnh và giàu có.
Bạn có thể xem bộ sưu tập tranh Windsor Beauties miêu tả vợ và nhân tình của Vua Charles II, Vương Quốc Anh, để biết được chân dung người phụ nữ những năm 1600. Lúc đó phụ nữ trông thấp và chắc nịch với cằm đôi và ngực lớn.
Thậm chí đến những năm 1800 khi xu hướng áo corset bắt đầu thịnh hành, phụ nữ vẫn chỉ đẹp khi sở hữu vóc dáng tròn trịa và vòng eo được siết lại cho nhỏ. Tuy nhiên, lúc này quần áo vẫn được may đo bằng tay, không phải sản xuất hàng loạt.
Thậm chí vào đầu thế kỷ XX, thân hình ngoại cỡ vẫn được đánh giá là đẹp và màu mỡ. Chẳng hạn như biểu tượng sex Lillian Russell nặng đến 90kg. Thế nhưng mọi thứ nhanh chóng thay đổi sau đó.
Sự thăng trầm của thời trang ngoại cỡ nửa đầu thế kỷ XX
Thân hình tròn đầy đã thịnh hành suốt 400 năm. Nhưng xu hướng này nhanh chóng bị đè bẹp bởi sự xuất hiện của phong cách flapper girl vào thập niên 1920. Nếu bạn xem phim Đại gia Gatsby sẽ ngay lập tức ấn tượng với những cô gái cao gầy để tóc bob, thích nghe nhạc jazz, uống rượu, hút thuốc, trang điểm và phục sức lộng lẫy… Đó chính là thời trang của các flapper girl.
Trong Thế Chiến thứ I, kỹ thuật công nghệ đã có sự tiến bộ vượt bậc, sản xuất đại trà bắt đầu bành trướng. Người ta dần tạm biệt với những trang phục may đo thủ công và đón chào kỷ nguyên của thời trang mì ăn liền (fast fashion). Từ đây, quần áo chỉ được sản xuất theo size cố định để giảm thiểu chi phí. Điều này khiến những phụ nữ mập mạp quá khổ khó tìm được trang phục may đo sẵn vừa ý.
Phải đến năm 1922, công ty Lane Bryant mới bắt đầu quảng bá chiến dịch Misses Plus Sizes với trang phục nhắm tới phụ nữ ngoại cỡ. Đây cũng là công ty cho ra mắt thuật ngữ “plus size” (thời trang ngoại cỡ). Các kiểu trang phục boyish, boxy bắt đầu được các chị em thừa cân ưa chuộng.
Các nhãn hàng bán lẻ khác cũng tranh thủ cơ hội thâm nhập thị trường plus size. Chẳng hạn tại Anh, thương hiệu Evans chuyên bán đồ plus size cho phái nữ đã được Jack Green thành lập năm 1930.
Tuy nhiên, dù có một số nhãn hiệu tiên phong đi chăng nữa thì phong cách plus size vẫn chỉ là một mảng rìa, mảng phụ trong ngành công nghiệp thời trang trong suốt vài thập kỷ kế tiếp, khi mà tiêu chuẩn cơ bản đối với phụ nữ vẫn là cao, vóc dáng thể thao và năng động.
Thời trang plus size chuyển mình vào nửa cuối thế kỷ XX
Sang những năm 1950, thời trang plus size có cơ hội “báo thù” nhờ vào các cô đào tròn trịa của Hollywood như Marilyn Monroe, Sophia Loren và Elizabeth Taylor.
Tuy nhiên, thời trang lúc này không hẳn tôn vinh những phụ nữ phì nhiêu, mà chỉ ra sức ca tụng các cô nàng gầy với bộ ngực và mông đẫy đà. Nhưng việc các cô gái như thế này thường xuyên được mời đóng các quảng cáo thuốc tăng cân cũng giúp phụ nữ có thân hình đầy đặn cảm thấy tự tin hơn.
Thời trang những năm này ưa chuộng xu hướng đồng hồ cát, tiêu biểu là dòng sản phẩm New Look của Christian Dior đã tạo nên một làn sóng săn lùng lúc bấy giờ, với các thiết kế chít eo và xòe phần chân váy. New Look đã thành công trong việc tâng bốc xu hướng plus size, mặc dù các cô nàng chụp ảnh catalog không hề ngoại cỡ chút nào.
Đáng tiếc, các cô gái ngoại cỡ vừa được yêu mến chẳng bao lâu thì thế giới loại xoay về các cô nàng gầy. Những năm 1960 là quãng thời gian khó khăn với thời trang plus size. Quần áo lúc này làm ra chỉ có các siêu mẫu thân hình săn chắc mặc vừa. Tiêu biểu là cô người mẫu Anh Twiggy, được ca tụng dù thân hình “cò hương” thiếu sức sống.
Nhận thấy bản thân không được coi trọng, phụ nữ trên khắp thế giới đã đoàn kết để làm nên cuộc cách mạng chống lại tình trạng phân biệt đối với người béo. Các nhà hoạt động ở New York tổ chức phong trào “Fat-in” nơi họ ăn kem và đốt poster của Twiggy. Họ cũng tổ chức các show diễn thời trang plus size và gây quỹ để nâng cao nhận thức về vấn đề mỡ thừa.
Thời trang ngoại cỡ plus size cũng được ưu ái gọi là Queen size. Công ty Lane Bryant mở chi nhánh khắp nước Mỹ và hãng thời trang plus size cao cấp đầu tiên Marina Rinaldi ra đời năm 1980.
Dẫu vậy, tiêu chuẩn gầy và săn chắc vẫn tiếp tục thịnh hành những năm 1970-1980, mái tóc có thể phồng to nhưng thân hình thì không. Hãy nhìn Farrah Fawcett, Jane Fonda hay siêu mẫu Naomi Campbell – họ cao, cân đối và khỏe khoắn. Đây chính là thân hình hoàn mỹ những năm 1980.
Tới những năm 1990, thân hình siêu mỏng lại trỗi dậy với những cô nàng mảnh khảnh như Kate Moss – cao 1m7 nặng 47kg. Đây là kỷ nguyên của những cô nàng gầy và tất cả các tạp chí, sàn diễn thời trang đều phản ánh xu hướng này.
Tuy nhiên, Jean Paul Gaultier cũng có lúc đi ngược xu hướng khi mời cô nàng béo Stella Ellis trình diễn trong các show của mình. Ellis đã trở thành nàng thơ của ông và thời trang plus size lại tìm được chút hào quang le lói.
Thời trang plus size tìm được vị thế trong thế kỷ XXI
Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ trước, khán giả đã thường xuyên nhìn thấy phụ nữ có thân hình trung bình hoặc ngoại cỡ trên sóng truyền hình và cả tạp chí. Dù Victoria’s Secret đã mang đến cho chúng ta những nữ hoàng nội y như Gisele Bündchen nhưng phụ nữ thuộc mọi vóc dáng bắt đầu được yêu mến, chẳng hạn chuyên gia trang điểm Tess Holliday hay nữ diễn viên thừa cân Gabourey Sidibe.
Những năm 2000 đã chứng kiến sự đa dạng hóa về mặt kích cỡ trong ngành công nghiệp thời trang. Các nhãn hàng bán lẻ nhận ra rằng bỏ qua “miếng bánh” plus size quả là một sai lầm to và nhanh chóng tung ra nhiều bộ sưu tập để lấp chỗ trống.
Ví dụ, JCPenney đã xây dựng những boutique dành riêng cho dòng sản phẩm thời trang ngoại cỡ, và còn mời cả nhà thiết kế ngoại cỡ Ashley Nell Tipton tạo ra bộ sưu tập của riêng mình.
Trong khi đó, một số nhãn hàng khác đã loại bỏ hoàn toàn danh mục “plus size” trong cửa hàng của mình, tiêu biểu như hệ thống siêu thị Meijer Inc. và nhà bán lẻ online ModCloth. Họ cho rằng tại sao phải phân biệt “plus” với các dòng thời trang khác. Trong cửa hàng bán lẻ trực tiếp đầu tiên của mình ở Texas (Mỹ), ModCloth chỉ sắp xếp quần áo theo size từ XXS đến 4X, không còn khái niệm plus size nữa.
“Khi bạn đến một trung tâm thương mại, ở đó nên có 1-2 cửa hàng quần áo dành cho phụ nữ plus size, để họ không phải mua sắm online nữa”, nhà báo Marie Southard Ospina viết trên trang Bustle. Bất kể là phụ nữ size 4 hay size 14 đều cần được lắng nghe.
Sự lão hóa và quá trình sinh nở là lý do bất khả kháng khiến hầu hết phụ nữ bị tích trữ mỡ thừa, dẫn đến phải dùng thời trang ngoại cỡ. Vì thế mỡ thừa cũng là một người bạn, người đồng hành chứng kiến sự trưởng thành của phụ nữ. Thời trang nên có một khoảng không trang trọng để mỡ thừa và đường cong phì nhiêu cất lên tiếng nói.
Các bạn có thể tham khảo thêm :