Sợi lụa tơ nhện được cho là giải pháp thay thế cho các loại sợi tổng hợp từ dầu mỏ
Ngày bé, tôi từng đọc một câu truyện cổ tích mà tôi đã quên mất cái tên. Chỉ nhớ rằng, nhân vật nữ chính bắt đầu lột xác khi sở hữu chiếc đầm lụa dệt từ sợi tơ nhện. Chiếc đầm lấp lánh tựa sao trời, không thể bị đốt cháy, được cả triệu con nhện dệt nên như món quà cảm tạ tấm lòng hướng thiện của cô.
Tất nhiên, câu truyện cổ tích ấy đã phóng đại nhiều thứ. Trong thực tế, sợi tơ nhện không lấp lánh như sao trời khi dệt thành vải, và nó cũng bốc cháy như bao chất liệu khác. Nhưng, một tấm vải đúng là cần cả triệu con nhện để dệt nên. Và nó cũng sở hữu những tố chất thượng thặng như: đông ấm hạ mát, nhẹ tênh, bền bỉ như thép. Chẳng vì vậy lụa tơ nhện là một chất liệu truyền kỳ trong ngành thời trang.
Nội dung bài viết
Khai thác lụa tơ nhện: Giấc mơ của ngành thời trang hiện đại
Từ lâu, con người đã biết đến những tính chất cao cấp của lụa tơ nhện. Tuy nhiên, việc khai thác sợi tơ nhện luôn gặp nhiều khó khăn. Nhện không sản xuất nhiều tơ như con tằm (bombyx mori) – cần 23,000 con nhện để dệt nên 30g sợi tơ. Ép chúng vào môi trường khép kín như tằm có thể dẫn đến việc ăn thịt lẫn nhau.
Trang phục dệt từ sợi tơ nhện thiên nhiên cực hiếm; ví dụ nổi tiếng nhất là một chiếc áo khoác đến từ Madagascar, năm 2009, được trưng bày tại viện bảo tàng Albert & Victoria ở London, Anh.
Tuy nhiên, loài người chưa bao giờ đầu hàng trước khó khăn. Không thể dệt được lụa tơ nhện từ thiên nhiên, thì ta sẽ làm nên nó trong phòng thí nghiệm!
Bắt đầu từ khoảng 20 năm đổ lại, các nhà khoa học đua nhau tìm ra giải pháp sản xuất sợi tơ nhện công nghiệp, qua các startup triệu đô quanh thế giới. Thay vì ép con nhện nhả tơ để thu hoạch, họ tạo nên những sợi trong phòng thí nghiệm mô phỏng tính năng của sợi tơ nhện thiên nhiên. Giới chuyên môn gọi đó là biomaterial (tạm dịch: chất liệu công nghệ sinh học).
Vì sao biomaterial là tương lai phát triển bền vững?
Để hiểu về lý do ngành thời trang bị mê hoặc vì sợi tơ lụa, trước tiên, chúng ta phải nói về lý do sợi tổng hợp gốc dầu mỏ lên ngôi.
Các loại sợi polyester, acrylic, nylon được ưa chuộng vì chúng cực rẻ, bền, lại có thể dệt đủ kiểu. Muốn làm vải co dãn cho thời trang thể thao cũng được. Làm đồ ấm mùa lạnh cũng được. Biến hóa thành dệt kim, chất liệu giả da, chiffon xuyên thấu, sợi tổng hợp đa năng hơn bất kỳ sợi thiên nhiên truyền thống nào khác.
Tuy nhiên, sợi tổng hợp không thân thiện với môi trường. Nó phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt: dầu mỏ. Nó không phân hủy trong thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Và vẫn chưa có chất liệu nào có thể thay thế sợi tổng hợp.
Các chuyên gia hy vọng rằng, chất liệu công nghệ sinh học, ví dụ như sợi lụa tơ nhện, có thể giúp thay thế sợi tổng hợp. Vừa có thể phân hủy thiên nhiên như sợi tự nhiên. Lại có thể đa dạng hóa như sợi tổng hợp.
Hiện nay, sợi lụa tơ nhện từ các phòng thí nghiệm đã có thể đáp ứng một số nhu cầu của thời trang hiện đại. Làm nên chất nhồi áo bông thay thế lông ngỗng hay polyester, dùng làm bề mặt áo khoác phao, hay làm bông băng y tế thay thế cotton tốn nhiều nước sản xuất.
Mua sản phẩm làm từ sợi lụa tơ nhện ở đâu?
Các đơn vị nổi bật sản xuất sợi tơ nhện trong phòng thí nghiệm hiện nay có thể kể đến Spiber từ Nhật Bản, Bolt Thread từ Mỹ, và Kraig Biocraft từ Đức.
SPIBER
Vào năm 2019, thương hiệu đồ thể thao và dã ngoại The North Face gây sốc khi giới thiệu một mẫu áo khoác phao có khả năng chống chịu độ lạnh của Cực Nam được làm từ sợi tơ nhện Spiber. Chiếc áo có màu vàng óng tự nhiên của sợi tơ nhện (tương tự như lụa tơ tằm Việt Nam). Được đặt tên là Moon Parka, số lượng sản xuất cực ít – chỉ 50 chiếc toàn cầu.
Quá trình sản xuất của Spiber không sử dụng đến nhện thật. Công ty dùng loại vi khuẩn e.Coli để sản sinh nên protein tương tự như trong tơ nhện thiên nhiên. Protein này sau đó được thu hoạch, chế thành dạng bột, để rồi ép tạo nên vải vóc và các chất liệu khác.
Các nhà thiết kế có thể liên hệ Spiber để mua sợi lụa tơ nhện trực tiếp.
BOLT THREADS
Đây là phòng thí nghiệm được Stella McCartney và Patagonia ủng hộ. Bolt Threads đã giúp Stella McCartney làm nên những chiếc váy đầm và cà vạt từ lụa tơ nhện.
Sản phẩm của Bolt Threads hoàn toàn được dệt trong phòng thí nghiệm, mô phỏng cấu trúc của sợi lụa tơ nhện, không dùng đến động vật để sản xuất. Quá trình sản xuất tương tự như của Spiber, nhưng thay vì dùng e.Coli thì hãng sử dụng men. Ngoài sợi tơ nhện, Bolt Threads còn có sản phẩm vegan leather thay thế da thuộc làm từ nấm.
Sản phẩm đầu tiên bạn có thể mua từ Bolt Threads là các loại cà vạt. Bạn cũng có thể tìm thấy sản phẩm sợi tơ nhện trong các thiết kế của Patagonia và Stella McCartney.
KRAIG BIOCRAFT
Công ty này được liệt kê trên sàn chứng khoán dưới ticker KBLB và chuyên sản xuất sợi tơ nhện. Kraig Biocraft từng có hợp đồng sản xuất sản phẩm từ lụa tơ nhện cho quân đội Mỹ năm 2016. Sản phẩm của Kraig Biocraft đặc biệt ở điểm, hãng đã cấy ghép ADN của nhện vào trong con tằm; và khi con tằm nhả tơ thì đây là một hỗn hợp tơ tằm và tơ nhện.
Năm nay, Kraig Biocraft sẽ bắt tay với công ty Singapore Kings Group để ra mắt thời trang thể thao, streetwear và athleisure làm từ sợi tơ nhện. Đôi bên sẽ ra mắt dòng sản phẩm mới này dưới thương hiệu SpydaSilk™.
Các bạn có thể tham khảo thêm :