Bikini từng bị chống đối bởi những người bảo vệ nữ quyền. Họ cho rằng nó khiến người quá khổ trở nên mặc cảm. Thế rồi bikini lại được khen là trang phục tượng trưng cho nữ quyền vì giải phóng quan niệm cái đẹp hình thể. Dù thị phi bủa vây, bikini vẫn là trang phục biểu tượng cho sự gợi cảm ngày nay.
Bikini không phải là khái niệm mới mẻ. Những nữ vận động viên Hy Lạp và La Mã cổ đại từng diện trang phục hai mảnh từa tựa bikini để thi đấu thể thao, từ khoảng 1500 năm trước Công Nguyên. Tuy nhiên, nó biến mất trong một thời gian dài, khi phụ nữ phương Tây bị trói buộc trong những trang phục dày vải che kín cơ thể.
Trang phục chân chính được gọi là bikini ra đời giữa thế kỷ 20. Chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi, bikini đã tiến hóa từ một trang phục lắm thị phi thành một sản phẩm thời trang không thể thiếu trong tủ quần áo. Hãy cùng Maya tìm hiểu lịch sử bikini đầy gian truân.
Nội dung bài viết
TRƯỚC KHI BIKINI RA ĐỜI, PHỤ NỮ MẶC GÌ TẮM BIỂN?
Trước khi nói về lịch sử bikini, hẳn chúng ta phải cảm thán khi nhìn lại quá trình tắm biển vô cùng trắc trở của phái đẹp Tây phương trong quá khứ.
Trước thế kỷ 18, việc bơi biển hay tắm lộ thiên bị Công giáo ngăn cấm. Qua đến thế kỷ 18, khái niệm này được nới lỏng. Bãi biển trở thành một địa điểm để hội chị em phụ nữ tụ tập. Yêu cầu duy nhất là họ không để lộ cơ thể nơi công cộng. Họ làm điều này bằng cách nào? Vâng, mặc váy trùm kín mít để đi nghịch nước.
Đầu thế kỷ 18, trang phục đi biển là váy quá mắt cá chân dài tay, bằng len hoặc cotton. Chiếc váy đi biển lúc bấy giờ trông không khác gì váy ngủ. Sự khác biệt duy nhất là… một bên khô, một bên ướt lượt thượt. Ngoài ra, lúc ấy, bắp chân cũng được xem là bộ phận nhạy cảm của phái nữ. Vì vậy, chị em còn phải khâu tạ vào gấu váy để giữ cho làn váy không bị nổi lên khi xuống nước. Chưa kể họ phải mang mũ trùm tóc và vớ. Kín đến không thể kín hơn.
ua thế kỷ 19, váy tắm đã biến hóa thành trang phục hai mảnh: quần bloomer ngang mắt cá chân kèm áo dài quá gối. Chất liệu chủ đạo cotton và len vẫn được sử dụng. Bộ váy tắm này chỉ cho phép chị em nhúng ướt chân thôi, chứ không thể bơi lội được vì nó quá nặng. Tuy nhiên, theo đà tiến triển của thế kỷ thứ 19, nó tiếp tục ngắn dần lên và gọn dần lại. Ít nhất đây là một tiến triển tốt.
Trang phục là một chuyện, tiếp cận mặt nước là chuyện khác. Cuối những năm 1890, Châu Âu thịnh hành một loại xe kéo có tác dụng như phòng thay đồ. Những cô gái sẽ thay váy đi biển trong căn phòng di động này. Trong lúc đó, ngựa (hoặc đôi khi xa phu) sẽ kéo chiếc buồng di động này đến sát mặt nước. Sau đó, các chị em nhào xuống mặt nước trực tiếp từ cỗ xe này. Tất cả nhằm hạn chế cái nhìn soi mói của phái mạnh từ bờ biển.
THẾ VẬN HỘI OLYMPIC, VẢI NYLON, VÀ COCO CHANEL
Thế vận hôi Olympic, vải Nylon và Coco Chanel có gì tương đồng? Đây là ba yếu tố cùng làm nên sự thịnh hành của áo tắm đầu thế kỷ 20.
Thể thao trở thành bước đệm đầu tiên cho sự ra đời của áo tắm đương đại. Thế vận hội Olympic 1912 tại Stockholm chính thức khai sinh nội dung thi đấu bơi lội nữ. Để tham gia thi đấu, tất nhiên vận động viên không thể mặc váy luộm thuộm. Trang phục thi đấu tại Olympic là áo bơi dệt len ôm sát người, với phiên bản monokini liền một mảnh, hoặc bộ áo kèm quần ngắn ngang đùi.
Sự thịnh hành của áo tắm ôm sát, cũng như sự hoan nghênh của phái đẹp dành tặng cho bãi biển, được nâng lên một tầm cao mới nhờ… Coco Chanel. Cô gái trẻ lúc này đã trở thành một nhà thiết kế có danh tiếng. Năm 1923, trong chuyển du thuyền đến Cannes, Coco Chanel đã bất cẩn đứng ngoài nắng quá đà. Kết quả là làn da cô ngả màu rám nắng lạ mắt, đối nghịch hoàn toàn với kiểu trang điểm da trắng sứ vốn được tôn vinh trong hàng trăm năm qua. Mặc dù hình tượng này chỉ là sai lầm ngẫu nhiên, ngay lập tức nó trở thành trào lưu làm đẹp trong giới hâm mộ Chanel. Các cô gái lũ lượt kéo nhau ra bãi biển tắm nắng sau sự kiện này.
Cuối cùng, sự phát minh của vải nylon năm 1938 hoàn thiện hình ảnh gợi cảm của bộ áo tắm đương đại. Với những dòng quảng bá rất kêu như “Bền như thép, mượt như tơ” và “Nylon: đẹp hơn, khô nhanh hơn”, nylon ngay lập tức thay thế len và cotton, trở thành chất liệu được ưa chuộng cho áo bơi.
Nhìn chung, cuối những năm 1930, áo tắm đương đại đã bắt đầu định hình. Quan điểm của công chúng cũng không còn quá khắt khe trước hình ảnh áo bơi ôm sát trên các bãi biển.
Tưởng như chiếc áo bơi đã trở nên quyến rũ hết sức có thể, nhưng chúng ngày càng trở nên khiêu khích hơn, nhờ một sự kiện dường như không liên quan: Chiến tranh thế giới thứ Hai.
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THẾ CHIẾN II VÀ ÁO TẮM
Kéo dài từ 1939 đến 1945, Thế chiến II là một cuộc chiến tốn kém. Chính phủ Mỹ và quân đồng minh yêu cầu người dân giảm chi tiêu tối đa để đảm bảo cung cấp đủ tài nguyên cho tiền tuyến.
Trong bối cảnh này, thời trang hưởng ứng phong trào tiết kiệm bằng cách… rút ngắn gấu váy phụ nữ đáng kể. Áo tắm cũng tương tự.
Bắt đầu xuất hiện các kiểu áo tắm được cắt xén vải tối đa: sát nách, trễ ngực chữ V, khoét bụng và lưng. Sau khi phiên bản khoét bụng này không bị lên án là “vi phạm thuần phong mỹ tục”, các nhà sản xuất lại mạnh tay chế tác thêm mẫu hai mảnh. Hình ảnh gợi cảm của áo tắm hai mảnh được các minh tinh Hollywood được hoan nghênh nhiệt liệt. Thập niên 1940 còn xuất hiện một loạt phim ca nhạc lấy bối cảnh bơi lội, khuếch trương độ hot cho mẫu áo tắm hai mảnh này.
Tuy nhiên, có khoét sâu đến cỡ nào đi chăng nữa thì có một điểm bất biến: Áo bơi chưa bao giờ để lộ rốn người mặc. Điều luật sản xuất phim của Hollywood cấm việc lộ rốn trên màn ảnh rộng. Có lẽ vì vậy mà việc thiết kế áo bơi trễ rốn chưa từng được giới thời trang Mỹ để tâm đến. Họ đã để vuột mất cơ hội kinh doanh này vào tay người khác. Và lịch sử bikini khai sinh tại Pháp.
VÀ BIKINI RA ĐỜI. À KHÔNG, ATOME VÀ BIKINI CÙNG RA ĐỜI!
Thời bấy giờ, những người phụ nữ bốc lửa được gọi là “bombshell” (tức vỏ bom). Những ý tưởng táo bạo được gọi là “atomic” (có sức mạnh bom nguyên tử). Cách chơi chữ này đã giúp đề tên cho 2 bộ áo tắm nhỏ nhất trong lịch sử, ra đời cùng năm 1946.
Sau Thế chiến II, nhà thiết kế Pháp Jacques Heim mở một chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ thể thao. Nên thiết kế trang phục gì để quảng cáo cho cửa hàng của mình, ông ta suy nghĩ. Nhân dịp cao điểm đi biển mùa hè, tháng 6 năm 1946, ông quyết định tung ra một bộ áo tắm hai mảnh nửa hở nửa giấu phần rốn, gọi là “Atome” theo nguyên tử nhỏ nhất thế giới được phát hiện lúc bấy giờ. Chiếc rốn thoáng ẩn thoáng hiện khi phái nữ dạo bãi biển, còn gì khiêu khích hơn? Với slogan “Bộ áo tắm nhỏ nhất thế giới”, Heim lạc quan rằng thiết kế của ông sẽ gây sốt. Tiếc thay, Atome chỉ giữ được danh hiệu mẫu thiết kế áo tắm táo bạo nhất trong vòng 1 tháng.
Cùng trong năm 1946, kỹ sư điện máy Louis Réard bỏ nghề để thừa kế cửa hàng kinh doanh nội y từ mẹ ông ta. Trong một chuyến đi đến bãi biển St. Tropez, ông để ý thấy nhiều phụ nữ cuốn mép áo tắm của mình lên nhằm lộ nhiều da dẻ hơn khi phơi nắng. Réard nảy ra ý định tạo ra một mẫu áo tắm siêu minimalist, siêu nhỏ, phục vụ nhu cầu phơi nắng của chị em. Thành quả của ông chỉ tốn vỏn vẹn 80 cm vải!
Đúng với mong muốn của Réard, tiếng tăm của Bikini mau chóng vang xa. Tiếc thay, đó lại là hình ảnh vô cùng thị phi, khiến việc kinh doanh trì trệ. Ngược lại, mẫu Atome kín đáo hơn bán tốt vô cùng nhưng chẳng ai nhớ nổi cái tên của nó. Bikini trở thành tên gọi chính thức cho các mẫu áo tắm hai mảnh siêu nhỏ.
KHỞI ĐẦU GIAN NAN CỦA BIKINI
Khi tìm người mẫu quảng bá cho thiết kế siêu gợi cảm của mình, Louis Réard gặp nhiều khó khăn. Không ai chịu mặc nó. Chỉ có một người đồng ý: vũ nữ thoát y Micheline Bernardini. Sử dụng vũ nữ thoát y để quảng bá áo tắm hở rốn, còn gì có thể gây scandal hơn? Hình ảnh Micheline Bernardini đồng loạt xuất hiện trên các mặt báo trên thế giới, theo đúng mong đợi của Réard. Ông còn mạnh dạn quảng cáo cho mẫu thiết kế: “Nhỏ hơn chiếc áo tắm nhỏ nhất thế giới”, đá xoáy vào mẫu thiết kế Atome của Jacques Heim.
Vẻ hở hang của bikini gây sốc không chỉ truyền thông mà cả giới chính quyền. Trang phục mau chóng bị cấm tại bãi biển Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Úc. Toà thánh Vatican còn viết tuyên cáo chỉ trích bikini như trang phục tội đồ. Mỹ cũng không mặn mà với thiết kế.
Tuy vậy, Louis Réard vẫn có một lượng fan hâm mộ hùng hậu đến từ tầng lớp những quý cô quý bà châu Âu giàu có. Họ đã gửi 50,000 lá thư đến cổ vũ ông, ủng hộ ông ra mắt các mẫu mới. Cảm động, Réard tiếp tục kiên trì quảng cáo cho sáng kiến của mình: “Không thể gọi áo tắm là bikini nếu nó không đủ nhỏ để lọt qua chiếc nhẫn cưới”.
Phải mất gần 10 năm để bikini được chấp nhận rộng rãi hơn. Và người cứu cánh cho bikini không ai khác ngoài Brigitte Bardot.
CUỘC CỨU CÁNH TỪ MINH TINH MÀN BẠC
Nhìn lại, cần phải thừa nhận: Bikini cần Brigitte Bardot cũng như Brigitte Bardot cần bikini. Nếu như Bardot không can đảm mặc bikini lên phim, có lẽ chiếc bikini sẽ mất nhiều thời gian hơn để chinh phục thế giới. Nếu không có bikini, hẳn sẽ không có hình tượng quả bom sex mang tên Bardot.
Bắt đầu với Manina, Cô Gái Mặc Bikini năm 1952 và sau đó Chúa đã tạo ra đàn bà năm 1956, vẻ gợi cảm khó cưỡng của Brigitte Bardot khiến phái nam điên đảo và phái nữ ngưỡng mộ. Việc cô đào ngày nào cũng tạo dáng trong bikini bên bãi biển xuyên suốt Liên hoan phim Cannes giúp biến địa điểm này thành thủ phủ bikini của thế giới.
Để bikini đến với Mỹ phải mất một thời gian lâu hơn. Những bộ phim của Bardot cần thêm vài năm trước khi được công chiếu thị trường Mỹ. May mắn thay, chúng được phép giữ nguyên cảnh nóng, vì phim quốc tế không bị buộc phải tuân theo luật cấm hở rốn như phim nội địa Mỹ. Cứ như vậy, bikini thuận lợi thâm nhập vào Mỹ. Những nữ minh tinh theo đuổi phong cách gợi cảm lập tức học theo Bardot khoe dáng trong bikini: Marilyn Monroe, Esther Williams, Sophia Loren…
Thời vận của bikini lên như diều gặp gió nhờ cuộc cách mạng sex bùng nổ vào thập niên 1960. Các bộ phim Mỹ như James Bond Dr. No không còn ngại ngần dùng bikini vào poster quảng cáo. Năm 1962, tạp chí Playboy lần đầu tiên đưa bikini lên bìa. Và ca khúc “Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini” ca ngợi sự ngây thơ của cô gái ngại ngùng khi diện chiếc bikini nhỏ xíu xiu đã dấy lên làn sóng tìm mua bikini tại Mỹ.