Mỗi show diễn thời trang cần từ 20-40 người mẫu, vậy ai sẽ đủ tư cách mở màn và kết màn các show nổi tiếng? Người mẫu first face và vedette nghĩa là gì?
Mỗi năm, các tuần lễ thời trang – đặc biệt là nhóm “Big 4” ở các kinh đô thời trang New York, London, Milan và Paris – thu hút hàng trăm nhà thiết kế và thương hiệu, giới thiệu hàng trăm bộ sưu tập mới, quy tụ dàn người mẫu hùng hậu. Đặc biệt có những người mẫu top đầu luôn được các nhãn hàng chú ý, thậm chí giành giật vì các show có thể trùng lịch, chồng chéo.
Bình thường thì các nhà thiết kế và nhãn hàng rất khó trong khâu tuyển chọn người mẫu. Nhưng riêng đối với các gương mặt hot, thì chính họ cũng có quyền được lựa chọn show diễn mà mình tham gia. Lúc này, ngoài tiền cát-xê trình diễn thì vị trí xuất hiện trong show cũng được đặt lên bàn cân.
Nội dung bài viết
Người mẫu first face và vedette nghĩa là gì?
Vedette nghĩa là gì? Vedette có nguồn gốc là một từ tiếng Pháp, nhằm mô tả cô gái hát chính trong các chương trình ca hát vũ hội ở quán rượu, sòng bài, nhà hàng, khách sạn hay hộp đêm. Ai xem bộ phim Burlesque (2010) hoặc thậm chí là Tân dòng sông ly biệt (2001) sẽ hiểu rõ khái niệm này.
Đối với show diễn thời trang, thì cụm từ vedette còn có ý nghĩa là người mẫu kết show thời trang. Thời gian gần đây còn xuất hiện cụm từ first face, có nghĩa là người mẫu mở màn show diễn.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên Google, bạn sẽ cảm thấy thật bất ngờ khi nhận ra cụm từ vedette và first face hóa ra chỉ phổ biến ở Việt Nam, chứ không được áp dụng ở sàn diễn quốc tế. Quốc tế thường sử dụng cụm từ “open/close a fashion show” (gương mặt mở màn/khép lại một show thời trang).
Vì sao nhà thiết kế chú trọng vào vedette và first face?
Sau khi đã hiểu vedette nghĩa là gì, hãy xem vì sao nhà thiết kế lại chú trọng đến vị trí này.
Mỗi show diễn thời trang thường chỉ kéo dài 14-20 phút, giới thiệu từ 40-70 mẫu thiết kế (Dolce & Gabbana thậm chí có tới hơn trăm mẫu). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, một người mẫu có thể phải thay đến 2-3 bộ đồ. Nhưng đối với show diễn của những thương hiệu lớn sẵn sàng chi mạnh tay để thuê nhiều người mẫu, hoặc với các show haute couture có trang phục khó thay, thì mỗi người mẫu đôi khi chỉ trình diễn một bộ.
Sở dĩ vị trí mở màn và kết show quan trọng, vì trong một bộ sưu tập hàng chục mẫu thiết kế, người xem thường bị ấn tượng nhất bởi bộ trang phục đầu tiên và cuối cùng. Nhà thiết kế muốn khi người mẫu đầu tiên bước ra, khán giả phải kinh ngạc, thán phục, phải “wow” và khi kết show, họ phải “wow” thêm lần nữa. Do đó, rất nhiều tâm huyết đều được nhà thiết kế đầu tư vào bộ trang phục đầu tiên và cuối cùng, thể hiện ý tưởng xuyên suốt của bộ sưu tập.
Tiêu chuẩn lựa chọn gương mặt mở màn và kết show
Vậy vedette và first face, vai trò nào là quan trọng hơn? Một số người cho rằng vị trí vedette quan trọng hơn, vì vedette được cầm tay đi cùng nhà thiết kế, cùng dẫn cả dàn người mẫu ra chào tạm biệt khán giả. Do đó vedette được diện bộ trang phục đặc sắc và độc đáo nhất.
Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thương hiệu và quan điểm của nhà thiết kế. Có thể họ cho rằng bộ trang phục chào sân cũng rất quan trọng, kích thích sự tò mò của khán giả, do đó first face phải là một người mẫu “hàng thật giá thật”, một “It girl” của làng thời trang có thể giúp bộ sưu tập tạo nên “ấn tượng đầu tiên” đáng nhớ khó quên.
Ở Việt Nam, việc chọn lựa vedette và first face không nhất thiết phải tuân theo chuẩn mực 3 vòng hay các quy tắc khắt khe về biểu cảm của giới người mẫu chuyên nghiệp. Đôi khi người mẫu chỉ cần là gương mặt hot, có mối quan hệ thân thiết với nhà thiết kế, thì họ cũng sẽ được chọn làm nhân vật chính.
Do đó một số người mẫu không chuyên như Nam Em, Angela Phương Trinh, BB Trần, Thúy Ngân, Hương Giang… hoặc có chiều cao khiêm tốn như Mai Ngô, Minh Hằng cũng trở thành vedette. Đặc biệt, các hoa hậu khá được ưa chuộng trên sàn diễn Việt Nam.
Ở phương Tây cũng đôi khi xuất hiện trường hợp này. Ví dụ, tại tuần lễ thời trang Milan Thu Đông 2011, nam ca sĩ người Đức Bill Kaulitz đã mở màn show của thương hiệu Canada DSquared2. Hay trước đó vào năm 2008, Rihanna cũng mở màn vô cùng ấn tượng show xuân hè Milan của thương hiệu này.
Vì sao người mẫu muốn trở thành vedette/first face?
Khi người mẫu được mở màn hoặc kết show, đặc biệt là các show lớn như Calvin Klein, Prada hay Marc Jacobs… vị thế của họ trong ngành thời trang sẽ tăng lên rõ rệt, tên tuổi được nhắc tới thường xuyên và sự nghiệp sẽ nhanh chóng cất cánh.
Chẳng hạn, người mẫu Aymeline Valade đã nhanh chóng thành sao lớn, khi nhà thiết kế Alexander Wang chọn cô mở màn show Thu Đông năm 2011. Điều tương tự cũng xảy ra đối với người đẹp Hà Lan Maartje Verhoef, người mở màn show Xuân Hè 2013 của Prada. Hay Alanna Arrington mở màn show Altuzarra mùa Thu năm 2016.
Việc được chọn làm vedette hoặc first face của một show có thể giúp bạn tiếp tục giữ vững vị trí này trong các show uy tín khác. Chẳng hạn chị em nhà Gigi Hadid và Bella Hadid liên tục mở màn và kết của vô số show trong cùng một mùa, từ Marc Jacobs, Max Mara, Anna Sui đến Versace, Fendi… Việc liên tiếp được chọn đứng ở vị trí trung tâm, dẫn dắt những người mẫu khác đã giúp tên tuổi của họ bùng nổ như một quả bom.
Một điểm chung của 2 cô gái này là Gigi Hadid có đến 66 triệu fan trên Instagram, trong khi Bella Hadid cũng có tới 42 triệu fan. Do đó có thể nói, các thương hiệu đang nhắm tới các fan của người mẫu khi lựa chọn ai diễn chính trong show của mình. Họ chính là cô gái đặc biệt nhất, là cô gái mà mọi nhà thiết kế đều phải có (must have) trên sàn catwalk.
First face và vedette nghĩa là gì, hẳn bạn đã rõ rồi. First face là cô gái đầu tiên mà khán giả nhìn thấy, vedette là cô gái cuối cùng mà khán giả nhìn thấy. Do đó họ, cùng với bộ trang phục trên người, sẽ dễ dàng đọng lại trong trí nhớ của người xem. Họ gây ấn tượng hơn khi so với những người xuất hiện ở giữa show. Đó là lý do vedette và first face luôn là ước mơ của giới người mẫu trên con đường sự nghiệp.
Các bạn có thể tham khảo thêm :