Khi nói tới màu hồng, người ta sẽ lập tức liên tưởng tới một cô bé mặc váy hồng, tay cầm búp bê Barbie hồng ngồi lắc lư trên chiếc xe đồ chơi màu hồng
Hồng là màu sắc phân định giới tính rõ ràng nhất. Nhưng ít ai biết rằng vào thế kỷ XVIII, trẻ em gái và trai thuộc tầng lớp thượng lưu đều mặc đồng phục cả màu xanh dương và hồng. “Thậm chí hồng còn được xem là một màu nam tính. Trong các cuốn catalog xưa, hồng là màu dành cho bé trai”, Leatrice Eiseman, giám đốc điều hành Viện Màu sắc Pantone, cho biết.
Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của màu hồng qua thời gian.
Màu hồng là gam màu nam tính?
Một bài viết đăng trên tờ báo về trẻ sơ sinh The Infant’s Department vào năm 1918 đã nêu ra quy tắc chung: Màu hồng dành cho trẻ trai, màu xanh dương dành cho bé gái.
Lúc đó người ta cho rằng màu hồng là sự giảm sắc của màu đỏ. Trong khi đỏ là màu của mẹ, đại diện cho sự hăng say, cuồng nhiệt và hết mình thì ý nghĩa của màu hồng cũng được xem là màu mạnh mẽ và nhiệt tình, thích hợp với bé trai.
Vậy thái độ này đã đảo ngược từ lúc nào?
Ý nghĩa của màu hồng: Sự đảo ngược của sắc màu giới tính
Sự thay đổi bắt đầu khi các nhà sản xuất vì cạnh tranh thương mại mà cố tình gán ghép định hướng màu sắc vào quần áo của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Theo Valerie Steele, giám đốc bảo tàng Museum at FIT thuộc Viện Thời trang và Công nghệ ở New York, Hoa Kỳ: “Năm 1927, các cửa hàng của Best & Co ở Manhattan và Marshall Field ở Chicago gán ghép màu hồng cho bé trai. Ngược lại, cửa hàng Macy’s ở Manhattan và Wanamaker’s ở Philadelphia thì lại định dạng màu hồng dành cho con gái”.
Không có một sự nhất trí nào cả, hoàn toàn chia rẽ vì mục đích thương mại. Nhưng cũng trong năm 1927 này đã xảy ra một sự kiện khiến lịch sử giới tính của màu hồng được thiết lập.
Triệu phú người Mỹ Henry Huntington vào năm 1921 đã mua một bức tranh từ nước Anh. Đó là bức The Blue Boy với cái giá cao nhất thời bấy giờ là $728,000. Bức tranh mô tả một cậu bé quý tộc mặc đồ xanh dương với đôi mắt nhìn thẳng.
Đến năm 1927, ông ta lại mua về một bức tranh cũng từ nước Anh, đó là bức Pinkie mô tả một cô bé 11 tuổi mặc váy hồng và đội mũ hồng.
Hai bức này từng được trưng bày đối nghịch nhau trong Thư viện Huntington ở California. Mà lúc bấy giờ, báo chí Mỹ đã không ngừng bàn tán xôn xao về ý nghĩa của màu hồng và màu xanh dương. Từ đây và hàng chục năm sau, người ta đã mặc định xanh dương là màu dành cho bé trai và hồng là màu của bé gái.
Khi nào hồng mới trở thành màu sắc độc lập?
Theo lẽ thường, nam giới sẽ không mặc màu hồng, trừ khi anh ta có ẩn ý gì đó về giới tính của mình. Jo Paoletti, tác giả cuốn sách Pink and Blue: Telling the Girls From the Boys in America nói rằng: “Đối với các màu khác, người ta sẽ không đặt nghi vấn như vậy”.
Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Viện Màu sắc Pantone nhận ra rằng màu hồng đã được các “trai thẳng” chấp nhận nhiều hơn ngày nay. Các hãng Pink in London và Ralph Lauren đã cho ra các mẫu áo polo màu hồng dành cho nam, giúp màu này có chỗ đứng hơn trong mắt phái mạnh.
Jo Paoletti tin rằng mặc dù màu hồng chưa đạt tới cái đỉnh phi giới tính, nhưng cô hy vọng tình hình sẽ thay đổi. “Vào cuối những năm 1800, nếu phụ nữ mặc đồ đen, người ta sẽ hỏi: “Có ai chết à?”. Nhưng bây giờ chẳng ai hỏi như vậy nếu cô ấy mặc đồ đen”, Jo Paoletti nói.
Do đó, mọi quan niệm đều có thể thay đổi theo thời gian. Và Jo Paoletti hy vọng một ngày nào đó hồng chỉ còn là một màu sắc đơn thuần thay vì là màu giới tính.
Các bạn có thể tham khảo thêm :