Đây là một loại vải khá quen thuộc và phổ biến trong thị trường may mặc hiện nay nhờ những đặc tính vượt trội. Chắc hẳn ai cũng đã bắt gặp hoặc có trong tủ đồ của mình ít nhất một sản phẩm làm từ chất liệu vải kaki. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ được ưu nhược điểm, cách nhận biết và cách bảo quản loại vải này.
Nội dung bài viết
Vải kaki là gì?
Vải kaki là loại vải làm từ 100% chất liệu cotton hoặc có pha lẫn cotton cùng các sợi polyester tổng hợp được đan chéo và liên kết chặt chẽ với nhau. Vải kaki thường có mình vải dày và khá cứng, nhờ vậy mà vải thường ít bị nhăn, ít bám bụi đồng thời đảm bảo sự thoải mái cho người mặc.
Ngày nay, chất vải kaki được nâng cấp thành nhiều loại khác nhau để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Trên thị trường có nhiều loại vải kaki khác nhau với các đặc điểm nổi bật riêng từng loại và nhiều ứng dụng riêng để bạn dễ dàng lựa chọn.
Nguồn gốc của vải kaki
Vải kaki lần đầu tiên xuất hiện vao năm 1846 tại đất nước Ấn Độ, dùng để thiết kế quân phục do sĩ quan Harry Barnett Lumsden giới thiệu. Khi mà trước đó, đồng phục của quân đội Anh là áo khoác đỏ và quần trắng làm từ len không phù hợp với khí hậu nóng nực ở Ấn Độ. Vì vậy mà Lumsden đã thay thế chất liệu len bằng loại vải mỏng nhẹ, thoáng mát hơn. Từ đó mà vải kaki ra đời, màu vải khi đó là màu be hay màu vàng đất, chúng dần phổ biến và trở thành chất liệu vải của các bộ quân phục.
Qua thời gian, lĩnh vực may mặc ngày càng phát triển nên vải kaki đã được khắc phục những nhược điểm cũng như có nhiều loại hơn. Hiện nay chất vải kaki đã được sử dụng một cách rộng rãi ở khắp nơi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, loại vải này cũng cực kỳ phổ biến vì những đặc điểm riêng biệt của nó.
Ưu nhược điểm của vải kaki
Ưu điểm
Thoáng mát
Kaki là loại vải có khả năng thấm hút khá hiệu quả, dễ dàng giặt giũ và nhanh khô. Nhờ vậy mà người mặc không gặp tình trạng nóng bức, khó chịu.
Thoải mái
Vì vải kaki khá cứng, thường được may rộng rãi do không có sự co giãn nên sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc.
Chất liệu bền chặt
Kaki được đánh giá là một trong những loại chất liệu vải bền chắc nhất. Như đã nói, từ xưa vải kaki được dùng nhiều trong các bộ quân phục nhờ độ bền cao, ít co nhăn hay giãn chảy và không bị xù lông sau thời gian dài sử dụng.
Dễ dàng tạo hình
Vải kaki rất dễ dàng nhuộm màu và bền màu, có thể co giãn hoặc không, vải có độ bám rất tốt và độ dày vừa phải. So sánh với các chất liệu voan hay chiffon thì vải kaki dễ tạo hình hơn, không đòi hỏi nhiều về độ tỉ mẩn hay kỹ thuật quá cao.
Mẫu mã đa dạng
Vải kaki hiện nay có rất nhiều kiểu dáng và do chất vải dễ nhuộm, bám màu tốt nên màu sắc trong thiết kế của vải cũng rất đa dạng. Mặc dù hơi khó trong việc tạo các mẫu cầu kì nhưng mẫu mã, màu sắc của vải kaki vẫn được nhiều người đánh giá cao.
Nhược điểm
Thiết kế đơn điệu
Các loại vải kaki thường khá cứng, co giãn rất kém nên khó để ứng dụng cho những dạng trang phục đòi hỏi sự mềm mại. Đồng thời, phong cách đứng đắn được mặc định trong quan niệm của nhiều người về vải này nên các thiết kế của vải thường bị rập khuôn.
Vải khá cứng
Không giống như các loại vải khác, vải kaki khá cứng nên các sản phẩm từ vải kaki thường rộng, không ôm cơ thể.
Giá thành cao
Nhìn chung vải kaki thường được làm từ 100% cotton nên có giá thành đắt hơn những loại vải khác một chút. Tuy nhiên để có được một chất liệu kaki đảm bảo như thế nên giá thành cao cũng là một điều khó tránh khỏi. Nhiều nhà sản xuất đã pha trộn thêm nhiều loại sợi khác nhau để cải tiến cũng như hạ giá thành sản phẩm để đến tay người dùng nhiều hơn.
Phân loại vải kaki
Vải kaki có rất nhiều loại khác nhau như: vải kaki Hàn Quốc, vải kaki Nhật, vải kaki tuyết mưa,… Nhưng thường được chia thành các loại chính tùy vào độ co giãn và thành phần hóa học như sau:
Vải kaki thun
Loại vải kaki thun tương đối dày nhưng vẫn đem lại cho người mặc cảm giác thoáng mát và dễ chịu. Nguyên liệu chính từ bông, ngoài ra vải còn được pha trộn thêm chất liệu thun để giúp co giãn tốt hơn. Vải rất phù hợp để may các trang phục có độ ôm nhất định như quần áo công sở hoặc trang phục lao động.
Vải kaki không thun
Vải có đặc tính nổi bật là cấu trúc bền chắc, độ cứng cao, ít nhăn nhúm và không có giãn. Vải thường được ứng dụng chủ yếu trong các bộ trang phục của nam giới như các mẫu quần áo tạo sự mạnh mẽ, gọn gàng.
Vải kaki cotton
Là loại vải kaki được biết đến nhiều nhất, dệt từ những sợi bông xơ thiên nhiên có độ mỏng vừa phải giúp cho người mặc có cảm giác thoải mái, thoáng mát. Cũng giống như kaki thun, vải kaki cotton được sử dụng nhiều trong quần áo, chân váy công sở cho các chị em phụ nữ.
Vải kaki polyester
Loại vải này được sản xuất từ các sợi tổng hợp gồm cotton và polyester, vải có khả năng chống cháy, chống ẩm tốt. Thành phần đặc trưng trong chất liệu là Etylen khó tách rời sẽ giúp vải bền chắc hơn, không bị chảy giãn sau nhiều lần giặt.
Cách để nhận biết các loại vải kaki
- Để phân biệt vải thường dựa vào tiêu chí độ dày và độ co giãn: Vải kaki thun sẽ thường co giãn tốt hơn, mềm mài hơn. Ngược lại, vải kaki không thun thì khá cứng và không có độ co giãn.
- Đối với vải kaki cotton và kaki polyester bạn có thể nhận biết bằng cách đốt cháy: Kaki cotton sẽ cháy nhanh, có ngọn lửa vàng và tàn tro có độ mịn. Kaki polyester thì khó cháy hơn, có mùi thơm nhẹ và tàn vải vón cục.
Hướng dẫn vệ sinh và bảo quản vải kaki luôn bền đẹp
Để vải kaki phát huy tối đa độ bền trong suốt thời gian sử dụng thì bạn cần phải vệ sinh cũng như bảo quản đúng cách. Bạn có thể tham khảo những cách sau đây để sử dụng các sản phẩm từ vải kaki tốt hơn:
- Khi giặt đồ kaki bạn nên lộn mặt trái của sản phẩm để giặt nhắm tránh ảnh hưởng đến chất lượng của sợi vải.
- Không nên giặt vải kaki với các loại chất liệu khác, chỉ nên giặt riêng.
- Khuyến khích giặt bằng tay, không nên giặt sản phẩm vải kaki bằng máy giặt để tránh tốc độ của buồng quay làm hỏng kết cấu vải.
- Chất làm sạch dùng để giặt vải kaki phải dịu nhẹ, không có tính tẩy mạnh. Đặc biệt, chất tẩy chuyển dụng có thể khiến cho màu vải bị loang lổ.
- Khi phơi thì nên chọn nơi khô thoáng và mát mẻ, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng gắt sẽ làm vải bị bạc màu.
- Không nên đặt quá nhiều đồ lên trên vải trong thời gian dài, điều này sẽ làm mất form, gấp nếp, nhăn nhúm sản phẩm kaki.
Các bạn có thể tham khảo thêm :