Khi quần áo bị xù lông vải, chúng trông cũ kỹ và khiến bạn kém chỉn chu
Các trang phục của tiết trời mùa lạnh – như áo khoác len, dệt kim – sau một thời gian sử dụng xuất hiện những nhúm bông tròn tròn. Đôi khi chúng xuất hiện sau chỉ một lần giặt. Chúng khiến quần áo ngay lập tức trông cũ kỹ, luộm thuộm.
Ngành công nghiệp thời trang gọi chúng là xù lông vải (pilling). Vậy, vì sao hiện tượng xù lông vải xuất hiện, và làm sao để khắc phục tình trạng này?
Lý do quần áo, vải vóc bị xù lông
Có ba nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xù lông ở vải vóc. Một là cách dệt vải. Hai là thói quen sử dụng trang phục, vải vóc của người dùng. Ba là cách bảo quản trang phục.
Sợi vải ngắn khiến quần áo dễ bị xù lông
Nói chung, tất cả các loại vải đều có thể bị xù lông. Nhưng các chất liệu dệt từ sợi vải ngắn (len, cotton, sợi tổng hợp như polyester, acrylic) thường dễ sùi lên hơn khi so với các chất liệu dệt từ sợi thiên nhiên dài (lanh/linen hay lụa tơ tằm).
Tình trạng xù lông đặc biệt dễ thấy ở các loại vải phối hợp nhiều chất liệu. Ví dụ như loại vải pha giữa lụa tơ tằm và cotton. Sợi lụa tơ tằm dài và bền hơn so với sợi cotton. Khi sợi cotton bị đứt gãy, chúng không rơi khỏi bề mặt vải do bị xoắn lại với sợi lụa tơ tằm. Từ đó tạo nên những cục bông nho nhỏ – chính là hiện tượng xù lông trên quần áo.
Kiểu dệt lỏng lẻo như dệt kim (knit) cũng dễ bị xù vải hơn là các kiểu dệt chặt tay như denim.
Thói quen sử dụng trang phục hàng ngày
Chúng ta luôn tạo sức ép lên trang phục trong quá trình sử dụng hàng ngày. Quần áo bị ma sát khi chúng ta đi lại, đứng ngồi. Những điểm bị ma sát nhiều sẽ dễ bị xù vải hơn những điểm khác. Bằng chứng là áo thun, áo len hay sần sùi ngay phần hông, nơi tiếp xúc với dây nịt và túi đeo vai.
Bộ đồ giường cũng là sản phẩm dễ bị xù vải. Mặt dưới của bao gối và chăn tiếp xúc với drap trải giường bị chà xát khi chúng ta lăn qua lộn lại trong giấc ngủ và xuất hiện những cục bông xoăn tít lại.
Cách bảo quản trang phục
Khi bề mặt trang phục bắt đầu có dấu hiệu sần sùi, xoắn cục, có thể bạn chưa để ý đến. Bạn quăng nó vào máy giặt. Và những cục bông này lại xoắn xuýt với sợi vải ở những trang phục khác, tạo nên một chuỗi liên hoàn xù lông trong quá trình giặt máy quần áo.
***
4 bước giúp khắc phục hiện tượng xù lông vải
Khi mặc trang phục bị xù lông vải, trông bạn khá lôi thôi lếch thếch. Chưa kể là chúng có thể chà vào da, tạo cảm giác nhộn nhạo, ngứa ngáy. Bạn có thể hạn chế và khắc phục tình trạng xù lông vải qua bốn bước sau:
1. Chọn chế độ giặt trang phục phù hợp
Đối với các chất liệu bạn nghĩ có khả năng bị xù lông, như áo dệt kim, hãy chọn chế độ giặt nhẹ (delicate). Bỏ trang phục vào túi giặt trang phục để hạn chế nó tiếp xúc với các trang phục khác. Bạn cũng có thể giặt tay sản phẩm.
Bạn cũng nên hạn chế không nhồi nhét quá nhiều món đồ vào trong máy giặt. Lồng giặt bị quá tải sẽ gây ma sát, chèn ép trang phục nhiều hơn, từ đó gây xù lông vải dễ dàng.
Chọn chế độ giặt nước lạnh, vì nhiệt dễ làm sợi vải tơi ra và dễ bung. Cuối cùng, đừng quên thêm nước xả vải. Dung dịch xả vải sẽ làm mềm vải, giảm ma sát sợi vải trong quá trình giặt.
2. Phơi đồ hơn sấy quần áo
Trong thời tiết ẩm ương, lạnh lẽo của mùa đông miền Bắc, các chị em có thói quen sấy quần áo. Tuy máy sấy tiết kiệm thời gian sấy khô trang phục, nó cũng khiến bề mặt quần áo dễ bị vón cục hơn.
Những món đồ cực mỏng manh như lụa tơ tằm, linen không nên được sấy bằng máy sấy vì sẽ gây hư tổn đến sợi vải, sùi vải nhanh chóng.
3. Dùng dụng cụ để cắt bỏ xù lông trên quần áo
Khi phát hiện trang phục xuất hiện tình trạng xù lông, hãy mau chóng loại bỏ những viên bông li ti để tránh chúng bị xoắn ngày càng nhiều.
Cách khắc phục xù lông vải dễ nhất: Sắm một chiếc máy cắt chuyên dụng. Hãy chọn loại cắm điện vì chúng mạnh hơn so với loại chạy pin. Các chất liệu len, cashmere cũng có loại dao chuyên dụng để loại bỏ xù lông.
Có nên dùng dao cạo râu? Đáp án là chỉ dùng nếu bạn khéo tay. Dao cạo râu, nếu dùng không đúng cách, có thể chà xước bề mặt vải. Đặc biệt không nên dùng nếu bạn đang tìm cách loại bỏ lông xù trên những loại vải bóng, như phi bóng, satin hay vải xuyên thấu.
Có nên dùng cây lăn bụi? Đáp án là không. Cây lăn bụi không chỉ loại bỏ lông xù, mà còn kéo theo những sợi vải còn tốt. Về lâu dài, nó sẽ khiến tình trạng xù lông quần áo càng thêm tồi tệ.
Tuyệt đối không dùng tay để kéo và ngắt bỏ sợi bông. Bạn có thể đang vô tình kéo theo những sợi bị xoắn khác. Hành động này có thể gây toạc vải, tạo nên lỗ thủng trên trang phục.
4. Cẩn thận khi phối đồ
Nếu trang phục liên tiếp bị xù lông ở một địa điểm, về lâu dài, nó có thể gây mỏng vải ở chỗ này, dẫn đến bị thủng vải lỗ chỗ.
Hãy suy nghĩ xem, vì sao trang phục của bạn lại bị xù lông ở điểm này. Có phải đây là điểm chiếc áo len của bạn thường xuyên tiếp xúc với túi xách? Hay là bị chà sát do đai lưng quần?
Tìm hiểu nguyên nhân gây ma sát vải vóc sẽ giúp bạn thay đổi cách dùng sản phẩm thời trang. Ví dụ, bạn có thể đổi từ túi đeo chéo người thành túi cầm tay, hoặc balo. Từ đó giúp hạn chế xù lông quần áo về lâu dài.
Các bạn có thể tham khảo thêm :