Bộ sưu tập Haute Couture là thước đo cho những giá trị sáng tạo thăng hoa, trong khi Ready-to-wear lại tập trung vào yếu tố thương mại và tính ứng dụng cao. Nhưng đây có phải là tất cả sự khác biệt của hai bộ sưu tập này?
Bộ sưu tập Haute Couture là “sân chơi” của giới quý tộc với những quy định khắt khe trong khi Ready-to-wear giản dị hơn và không quá kén người chơi. Dù tráng lệ hay bình dân, sân chơi nào cũng có luật lệ riêng.
Nội dung bài viết
1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ SẢN XUẤT
HAUTE COUTURE
Nếu dịch sát nghĩa, trong tiếng Pháp, “haute” nghĩa là “cao cấp” và “couture” nghĩa là “may quần áo”, do đó Haute Couture là may đo cao cấp. Nhà thiết kế người Anh Charles Frederick Worth là người đầu tiên đặt cho các thiết kế của mình vào giữa thế kỷ 19. Mãi đến sau này, Haute Couture trở thành một tước hiệu đặc biệt được lập bởi Chính phủ Pháp trao cho những nhà may đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Một từ khác thường bị nhầm lẫn, kể cả giới mộ điệu, là couture – chỉ được dùng để nói đến những trang phục được chế tạo thủ công và có một không hai.
Khách hàng phải trực tiếp liên hệ với nhà Haute Couture để đặt may. Quy trình thường là họ trực tiếp hoặc qua các mối quan hệ để liên hệ và đặt hàng với nhà may. Sau đó, nhà Haute Couture sẽ xem xét tùy thuộc vào mối quan hệ và địa vị xã hội của họ mà có đồng ý nhận may đồ cho họ hay không. Nếu được chấp nhận, khách hàng sẽ được hẹn đến nhà may tại Paris, gặp nhà thiết kế chính để trao đổi, chọn mẫu và lấy số đo. Nhà may tiến hành thực hiện và bạn sẽ phải đến thử và sửa trang phục vài lần nữa. Thật không ngoa khi ví Haute Couture như “nữ hoàng thời trang đỏng đảnh”.
Các nhà mốt cũng mất không ít nỗ lực để để sở hữu danh xưng quyền lực này. Mỗi năm, Nghiệp đoàn may đo cao cấp (Chambre Syndicale de la Haute Couture) sẽ trực tiếp chọn ra những cái tên ưu tú tham gia vào cộng đồng Haute Couture nếu đáp ứng được những quy định nhất định. Trước tiên, các nhà may phải có trụ sở tại Paris với ít nhất 15 nhân viên làm việc toàn thời gian. Họ phải có khả năng thiết kế những đơn hàng chuyên biệt. Điều này đảm bảo các thiết kế của bộ sưu tập Haute Couture phải thật vừa vặn với khách hàng, nói cách khác chính là một thiết kế phải xứng đáng với danh hiệu nó đang mang và số tiền khách hàng chi trả. Cuối cùng, các nhà thời trang thuộc Haute Couture phải trình làng 2 BST mỗi năm, bộ sưu tập Xuân – Hè vào tháng 1 và Thu – Đông vào tháng 7 ở kinh đô thời trang Paris.
READY-TO-WEAR
Nhà thiết kế Gaby Aghion, nhà sáng lập thương hiệu Chloé, được cho là người đầu tiên tạo ra cụm từ Prêt-à-porter (tiếng Anh là Ready-to-wear) dành cho quần áo may sẵn. Trang phục Ready-to-wear đặt tính chất tiện lợi lên hàng đầu trong khi vẫn đảm bảo chất lượng và tính thời thượng. Bên cạnh đó, chúng cũng dễ tiếp cận hơn, thường bày bán ở các cửa hàng bán lẻ với nhiều kích cỡ và giá khác nhau.
Một số thiết kế Ready-to-wear chỉ sản xuất ở những kích cỡ tiêu chuẩn và bạn sẽ phải chịu khó săn lùng một bộ trang phục vừa vặn với một mức giá tương đối đắt đỏ. Tương tự Haute Couture, bộ sưu tập Ready-to-wear được trình diễn 2 lần/năm vào tháng 2 cho thiết kế Xuân – Hè và tháng 9 cho thiết kế Thu – Đông.
2. KHÁCH HÀNG
HAUTE COUTURE
Bạn không thể biết khách hàng mua các thiết kế trong bộ sưu tập Haute Couture là ai vì nó được ví như “khu vườn bí mật” xa hoa bậc nhất trong làng thời trang. Đây không chỉ là nơi để khát vọng nghệ thuật bay xa mà còn là tấm gương phản chiếu tính thẩm mỹ tinh tế ẩn chứa trong mỗi nhà thiết kế, là hơi thở của thời đại cũng như những chuẩn mực khắc khe để tạo ra đứa con của đỉnh cao sáng tạo. Vì thế, khách hàng của thời trang Haute Couture rất giới hạn. Đây phải là những người thượng lưu và có khả năng chi tiền cho loại trang phục xa xỉ này. Bộ sưu tập Haute Couture thường là những cơn đón đầu hay dẫn dắt xu hướng cho mùa thời trang tiếp theo, bao gồm cả những thiết kế của bộ sưu tập Ready-to-wear.
READY-TO-WEAR
Thời trang Ready-to-wear đáp ứng nhu cầu của đa dạng phân khúc khách hàng và dễ dàng được tìm thấy trong các cửa hàng hơn. Số lượng, kích cỡ và tốc độ sản xuất cũng đáp ứng được lượng khách hàng đại chúng.
Trong khi cũng được xem là thời trang cao cấp và lấy ý tưởng từ bộ sưu tập Haute Couture, các thiết kế thuộc Ready-to-wear không có tính “chủ nghĩa” và “độc nhất”. Thay vào đó, loại trang phục này có tính ứng dụng cao hơn vì hầu như sẽ được thiết kế theo mùa, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi có sự thay đổi về thời tiết, khí hậu.
3. SÀN DIỄN THỜI TRANG
HAUTE COUTURE
Một trong những luật chơi khắt khe của nhà Haute Couture chính là nhà mốt phải cho ra 2 BST hàng năm với ít nhất 35 mẫu thiết kế dành cho ngày và đêm trong mỗi bộ sưu tập.
Sàn diễn thời trang Haute Couture chính là “những giấc mộng hoa lệ”. Chúng tráng lệ không chỉ vì vẻ xa hoa của trang phục mà còn ở sự độc nhất trong thiết kế, bố cục sàn diễn. Tất cả đều được kết tinh từ khả năng sáng tạo vô tận và nỗ lực của những người phía sau hậu trường.
Chính vì vậy, khách mời của các buổi trình diễn thời trang Haute Couture rất hạn chế và phải xứng đáng với danh hiệu của chính nó. Ngoài sự tham dự thường xuyên của báo chí, chiếm đa số người xem là các khách hàng hoặc người đại diện cho họ. Một số tên tuổi là khán giả trung thành của thời trang cao cấp có thể kể đến như Marjorie Harvey, vợ của người dẫn chương trình nổi tiếng Steve Harvey, Daphne Guinness, Lynn Wyatt và tác giả Danielle Steel.
READY-TO-WEAR
Bộ sưu tập Ready-to-wear thường được trình diễn trước 1 năm ở các tuần lễ thời trang dự báo cho xu hướng năm kế tiếp, tháng 2 với những thiết kế Thu – Đông và tháng 9 cho thiết kế Xuân – Hè. Tuy không tráng lệ như sàn diễn thời trang Haute Couture, buổi trình diễn bộ sưu tập Ready-to-wear cũng được đầu tư kỹ lưỡng và có tính nghệ thuật cao. Danh sách khách mời mở rộng hơn với nhiều người nổi tiếng, các blogger thời trang và giới báo chí.
Các bạn có thể tham khảo thêm :