Corset trong quá trình phát triển trở thành phụ kiện vừa có công vừa có tội .
Một trang phục nhỏ nhắn nhưng lại có công dụng vô cùng to lớn, khiến người mặc yêu thích nhưng đồng thời cũng thấy mệt mỏi vì nó. Không gì khác hơn, đó chính là chiếc corset làm nên bí quyết của những đường cong.
Nội dung bài viết
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Corset hay còn gọi là áo nịt ngực, áo chẽn, bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ, chỉ chiếc áo có công dụng chính là tôn đường cong của cơ thể bằng cách siết chặt eo, giúp vòng hông và ngực trông to hơn.
Áo corset được chia ra làm hai loại:
– Corset rời (áo chẽn): giống áo quây nhưng phần ngực được thiết kế như áo nịt ngực, có độ sâu, được thêm đệm lót hoặc khung dưới chân ngực nhằm giúp nâng ngực và tạo độ gợi cảm cho vòng một. Corset loại này có gắn dây hoặc không dây.
– Corset dress (áo gắn liền với váy): là dạng áo chẽn được may liền váy. Ưu điểm của kiểu trang phục này là khoe được đường cong và tăng phần gợi cảm cho người mặc.
Những hình ảnh đầu tiên của áo corset được ghi nhận vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên, một phụ nữ ở đảo Crete, Hy Lạp đã mặc chúng bên trong như áo lót. Ngoài công dụng về mặt thẩm mỹ, tôn vinh vóc dáng của người mặc, người ta cho rằng mặc áo corset còn có lợi về mặt sức khỏe, giúp điều chỉnh tật vẹo xương sống và định hình dáng người thân trên. Lúc này cả nam và nữ đều mặc corset.
Ban đầu, áo corset hầu hết được làm thủ công nhưng vào năm 1839, Jean Werly, một người đàn ông Pháp đã tạo bước ngoặt lớn trong lịch sử khi sử dụng khung cửi dệt vải để làm áo corset cho phụ nữ. Đến năm 1890, áo corset bắt đầu được làm bằng máy. Vào thế kỷ XIX, áo corset trở thành một nhu cầu lớn, lúc này chỉ còn phụ nữ dùng và xem đó như một bí quyết làm đẹp.
BIẾN ĐỔI THEO THỜI GIAN
Vào đầu thế kỷ XVI, áo nịt ngực bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Công lao này thuộc về Medici de’Catherine, vợ vua Henry II, nước Pháp. Bà ra lệnh nghiêm cấm những phụ nữ có vòng eo to tham dự tòa án. Một chiếc corset siết chặt eo càng nhỏ sẽ càng đắt tiền. Vì thế, chỉ những phụ nữ trong giới thượng lưu mới có khả năng mặc corset và cũng từ đó, corset được xem là biểu tượng của địa vị, cấp bậc và sự giàu có. Khi cuộc cách mạng Pháp diễn ra vào năm 1789, phụ nữ trên khắp thế giới kịch liệt tuyên bố giải phóng khỏi thứ trang phục gò bó cơ thể, làm eo và ngực bị đè nén, gây khó thở. Corset dần biến mất được xem như một tuyên ngôn giải phóng phụ nữ.
VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA PHỤ NỮ
Đến thời đại Victoria, thế giới thời trang chứng kiến một cuộc tái sinh ngoạn mục của những chiếc corset. Phụ nữ mặc corset với mong muốn tạo dáng như chiếc đồng hồ cát, thu nhỏ eo, làm to hông và ngực. Trào lưu “thắt đáy lưng ong” bước vào thời trang.
Không chỉ được xem là một món đồ thời trang không thể thiếu của phụ nữ mọi tầng lớp, corset còn ảnh hưởng lớn đến nền đạo đức của thời kỳ Victoria. Một phụ nữ không mặc corset bị xem không khác nào một cô gái điếm. Ở tuổi lên ba, các cô gái nhỏ phải tập mặc áo corset nịt lỏng, ngay cả khi ngủ. Corset sẽ càng được siết chặt hơn theo độ tuổi và cấp bậc. Những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu sẽ mặc corset càng chật.
Có thể nói, vẻ đẹp và đạo đức của một cô gái khi mới sinh ra đã phụ thuộc vào chiếc corset. Quan niệm đó đã kéo theo các hệ lụy như nhiều phụ nữ mặc áo corset quá siết chặt đến nỗi làm giảm dung tích phổi, gây ra những chứng như ngất xỉu đột ngột, máu lưu thông kém, hen suyễn…
Cuối thế kỷ XX, chiếc áo corset đã trở nên táo bạo hơn khi chúng không còn được xem như nội y nữa mà là trang phục mặc ngoài. Lúc này, không còn ai đánh giá đạo đức của người mặc corset nữa mà thay vào đó là những lời trầm trồ ngưỡng mộ vẻ đẹp hoàn hảo của các đường cong cơ thể. Corset trở thành một vũ khí bí mật của phụ nữ.
Các nhà thiết kế như Jean-Paul Gaultier, Bottega Veneta, Christian Dior, Dolce & Gabbana… đều có những bộ sưu tậpmang hình dáng chiếc áo corset vô cùng đẹp đẽ và quyến rũ. Những người đẹp từ Hollywood đến châu Á không ngại khoác lên mình chiếc áo corset kết hợp với quần, váy để tôn vinh những đường cong tuyệt hảo của cơ thể khi xuất hiện trước công chúng. Thậm chí, không hề ngại ngùng, nhiều cô dâu cũng mặc trang phục cưới là các kiểu váy có phần thân trên như một chiếc corset và bước vào thánh đường làm lễ.
Dù không thể phủ nhận nét gợi cảm, tôn vinh những đường cong do corset mang lại nhưng loại trang phục này cũng gây nên sự gò bó, chật chội và không thoải mái cho người mặc. Người mẫu Brazil Raquel Zimmerman từng nói: “Tôi ghét mặc những gì chật chội, vì thế chiếc áo corset cũng như một loại hình tra tấn với tôi”.
Các bạn có thể tham khảo thêm :